(HQ Online)-Trong Chỉ số PAPI (Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) 2012- một chương trình điều tra người dân trên toàn quốc về hiệu quả hành chính công cấp tỉnh, Bình Định là địa phương đứng thứ hạng khá cao- thứ hai trong điểm thành phần về kiểm soát tham nhũng và sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng có cuộc trao đổi với báo giới về biện pháp để tiếp tục duy trì thứ hạng của tỉnh Bình Định về PAPI trong những năm tới.
Ông Hồ Quốc Dũng: Giải pháp đầu tiên của chúng tôi là phải gần gũi với dân. Ảnh: H.H Được biết, Bình Định cũng là địa phương trong top dẫn đầu hai chỉ số thành phần trên trong PAPI những năm trước. Ông có thể cho biết Bình Định đã có những cách làm như thế nào để xây dựng được một chỉ số PAPI “thân thiện” như vậy với người dân? Giải pháp đầu tiên của chúng tôi là phải gần gũi với dân, thực hiện nghiêm và đúng chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Giải pháp thứ hai là tạo điều kiện để người dân thể hiện tiếng nói mình trong việc phản biện chính sách. Cùng với đó, chúng tôi đặt mục tiêu rằng, làm việc gì cũng phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Và giải pháp cuối cùng là công khai các chủ trương, chính sách để người dân cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi tiếp xúc với cơ quan công quyền. Tham nhũng và công khai, minh bạch là hai chỉ số thành phần trong PAPI vẫn được các chuyên gia đánh giá là chưa có sự cải thiện đáng kể. Vậy quá trình giải quyết vấn đề này ở Bình Định như thế nào, thưa ông? Tham nhũng và công khai, minh bạch là hai thách thức lớn không chỉ của các tỉnh thành mà cũng là đối với tỉnh Bình Định. Đối với các địa phương phải có một quyết tâm chính trị là làm sao không có khoảng trống để cho tham nhũng xảy ra. Với Bình Định, chúng tôi đã và tiếp tục công khai chính sách, chủ trương và xác định cơ quan công quyền là phục vụ người dân, doanh nghiệp thay vì quan niệm trước đây là xem xét, giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Tham nhũng là do có lỗ hổng từ cơ chế, chính sách, do đó không chỉ từ nỗ lực của mỗi địa phương mà có thể khắc phục được vấn đề này. Giải pháp vĩ mô là cần “bịt” lại những lỗ hổng chính sách như trong chính sách về đấu thầu, chi tiêu công, sử dụng ngân sách Nhà nước, cùng với đó là tăng cường giáo dục đạo đức lỗi sống cho cán bộ công chức cơ quan Nhà nước… Cùng với quyết tâm của trung ương, các địa phương sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp để cải thiện vấn đề này. Cụ thể, Bình Định sẽ có giải pháp gì trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị và hành chính công, thưa ông? Có một số tỉnh đưa ra giải pháp là quản lý giờ giấc làm việc của cán bộ công chức nhưng tỉnh Bình Định xác định trách nhiệm người đứng đầu. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối với thủ trưởng các sở, ngành. Ví dụ như người dân có hài lòng về hiệu quả làm việc, năng lực của giám đốc sở tài nguyên môi trường hay không, trên cơ sở tín nhiệm của người dân, Hội đồng nhân dân sẽ đánh giá lại năng lực của thủ trưởng các sở ngành, nếu dư luận tín nhiệm thấp sẽ kiên quyết thay thế. Bình Định cũng đang rà soát và củng cố lại cơ quan quản lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đây trên địa bàn tồn tại văn phòng đăng ký đất đai riêng lẻ, sắp tới chúng tôi sẽ hình thành hệ thống quản lý đất đai từ cấp tỉnh đến xã và giao trách nhiệm cho người đứng đầu, nếu anh làm không được thì UBND tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Huyền Trân (ghi) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét