Sau 10 năm thực hiện, Luật Xây dựng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định chồng chéo, nhiều Bộ quản lý một vấn đề… Đó là ý kiến của nhiều đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) diễn ra hôm qua (15-5)
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Luật Xây dựng năm 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004 đã tạo lập và định hình khuôn khổ pháp luật và cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cũng như từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện các quy định của Luật cho thấy còn có những tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cần được xem xét để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, một số quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng chưa theo kịp quá trình hình thành và xác lập thể chế kinh tế thị trường với nhiều thành phần trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Một trong những vấn đề của đầu tư xây dựng thời gian qua còn là tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài tiến độ thực hiện, hiệu quả thấp gây ra thất thoát lãng phí lớn nhưng khó quy kết trách nhiệm. Tính khả thi và công khai minh bạch thấp dẫn đến tình trạng có nhiều "quy hoạch treo”, "dự án treo” tại một số khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế… gây nên những lãng phí về cơ hội đầu tư và nguồn lực phát triển. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành nhiều quy định pháp luật khác sau khi đã có Luật Xây dựng, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Nhà ở… cũng làm cho một số các quy định của Luật Xây dựng bị chồng lấn về phạm vi điều chỉnh hoặc bị chồng chéo, trùng lặp ở một số quy định cụ thể. Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức, thực hiện, quản lý và kiểm tra kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng ở cả Trung ương và địa phương. Đặc biệt, Luật Đấu thầu gây nhiều tranh cãi nhất. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện nay, một trong những vấn đề tồn tại nhất của Luật Đấu thầu chính là quy định giá thầu thấp nhất. Theo đó, quy định giá thầu thấp nhất mà không đề cập đến chất lượng nhà thầu là rất bất hợp lý. Bởi đây sẽ là lý do để hàng loạt công trình xây dựng được thực thi bởi các nhà thầu chất lượng kém. Có lẽ quy định này là nguyên nhân chính gây nên thực trạng hàng loạt các dự án, công trình xây dựng hiện nay đang nằm trong tay các nhà thầu Trung Quốc. Bởi vậy, ông Hùng cho rằng, thay vì quy định chọn giá thấp, cần xem xét đến các tiêu chí về chất lượng, giá thầu hợp lý, và cũng cần phải tính đến thời gian, tiến độ công trình. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, quy định chọn giá thấp nhất của Luật Đấu thầu cũng đang mâu thuẫn với chính quy định yêu cầu kỹ thuật cao bởi nếu kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại thì không thể có chuyện chi phí thấp được. Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất, cần phân định rõ vai trò quản lý Nhà nước và chủ thể xây dựng vì hiện nay vai trò quản lý nhà nước quá rộng, khó có khả năng bao quát hết các vấn đề trong đầu tư xây dựng. Tăng cường cơ chế xử phạt; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của các luật, đồng thời không nên trình các bộ luật riêng lẻ khi chưa có rà soát, tổng kết để tránh chồng chéo giữa các luật chuyên ngành. Kết luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc sớm ban hành Luật Xây dựng sửa đổi là cần thiết nhằm góp phần giúp tăng cường quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước. "Trên cơ sở nhận định từ quá trình thực hiện và phát triển xây dựng, ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi) nhằm đưa luật quản lý thị trường chặt chẽ và gắn với thực tế. Bám sát thị trường trên cơ sở cách tiếp cận mới, luật sẽ tạo động lực thúc đẩy các hoạt động đầu tư xây dựng” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. D.Phương |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét