TTO - * Em đang tìm hiểu thông tin chương trình thực tập sinh đi làm tại Nhật Bản. Qua Internet, em thấy có nhiều thông tin về các ngành nghề bị ngược đãi và không đúng như hợp đồng lao động. Em mong nhận được tư vấn thêm từ các anh/chị trong vấn đề này.
- Tư vấn của chuyên gia Công ty Esuhai : Chương trình thực tập kỹ năng được ký Hiệp định giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, có quy định chặt chẽ, cụ thể về danh mục ngành nghề lao động, thời gian làm việc, mức lương, chế độ bảo hiểm… Ngoài ra, trước khi phổ biến đơn tuyển từ phía nhà tuyển dụng Nhật Bản, công ty phái cử đã thẩm định loại hình công việc, độ an toàn lao động, cơ cấu tổ chức… của công ty tiếp nhận. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc người lao động đang thiếu thông tin, kiến thức về chương trình này nhằm lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp. Các đối tượng này thường nhắm vào những người lao động chỉ quan tâm đến mức lương, mức thu nhập cao mà không quan tâm đến nội dung công việc sẽ làm, đến công ty tiếp nhận lao động cũng như không có kế hoạch, mục tiêu sự nghiệp cho tương lai. Vì thế, người lao động khi muốn tham gia chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản cũng như các chương trình xuất khẩu lao động khác cần lưu ý: - Liên hệ trực tiếp với Bộ/sở lao động - thương binh & xã hội để được cung cấp thông tin về các cơ quan phái cử được cấp giấy phép hành nghề, đặc biệt là các công ty tiếp nhận có trụ sở, văn phòng tại Nhật Bản và những thông tin quan trọng liên quan đến chương trình trước khi đăng ký. - Tìm hiểu kỹ thông tin công ty giới thiệu, tuyệt đối tránh các trường hợp cò mồi, môi giới, công ty không có giấy phép đưa người lao động ra nước ngoài. Ngoài ra, bạn nên chú ý: cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty tuyển dụng Nhật Bản, nội dung công việc bạn sẽ làm, chi phí, nhà ở… - Quan trọng hơn hết, bạn cần phải xác định rõ mục tiêu tương lai nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, ngành nghề thích hợp để làm việc, đồng thời bạn phải thể hiện quyết tâm của mình sẽ làm việc thế nào để đóng góp vào việc phát triển lợi ích cho công ty tuyển dụng bạn. Nếu rơi vào hoàn cảnh mà bạn nêu (như bị ngược đãi, không đúng như hợp đồng lao động), người lao động cần liên lạc để trực tiếp thông báo với hiệp hội quản lý và cơ quan phái cử. Nếu hai cơ quan trên không hỗ trợ được, bạn có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước - trụ sở tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Về trường hợp của bạn, rất tiếc hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động ngành quản lý tài nguyên và môi trường. Nếu muốn đi Nhật làm việc, bạn có thể đi trong các ngành nghề khác như tiện, phay, hàn bán tự động, dập kim loại, khuôn mẫu, ép nhựa... Bạn sẽ được đào tạo nghề ngắn hạn khi tham gia chương trình. Chúc bạn gặt hái được nhiều thành công trên con đường sự nghiệp!
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét