Du Lich Han Quoc Nhật Bản, doc truyen truyện tranh cười Việt Nam doc truyen ma kinh di truyen tinh yeu lãng mạn, tin tuc onlineTintucOnline Việt Nam - tin tuc onlinepho thong học tại trường Việt Anh và truong chuyen lớp chọn

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Tham nhũng vặt

 Nhiều người sẽ khó hiểu với cụm từ "tham nhũng vặt”! Xin thưa, không có gì khó hiểu cả. Bởi với những cán bộ cấp to, ở những vị trí có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội thì mới có cơ hội để tham nhũng lớn, còn những cán bộ, công chức bình thường thì không thể tham ô hàng tỷ đồng, mà họ chỉ có thể mượn danh thi hành công vụ để sách nhiễu, kiếm chác của người dân dù chỉ là... đôi ba trăm nghìn VNĐ. Thực tế chỉ ra rằng, trong xã hội hiện nay, bất cứ ngành nào, lĩnh vực gì cũng có thể kiếm được tiền lót tay, miễn là phải biết cách... hành. Việc lợi dụng chức năng nhiệm vụ của mình để hành dân, kiếm chác lợi lộc dù chỉ rất nhỏ. Khoảng vài trăm nghìn VNĐ cho đến vài triệu đồng thì có thể gọi là tham nhũng vặt! 


Mới đây, kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2012 (với gần 14.000 người) được công bố cho thấy tình trạng tham nhũng có dấu hiệu gia tăng trong cán bộ công chức ở các cơ quan công quyền. Theo chuyên gia về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc, sau 2 năm tiến hành khảo sát về mức độ hài lòng của người dân về nền hành chính công, tình trạng hối lộ, tham nhũng có xu hướng gia tăng và ngày càng phổ biến. PAPI chỉ ra rằng, mức độ tham nhũng, ăn hối lộ tùy thuộc vào vị trí công tác của cán bộ công chức, hoàn cảnh và tính chất công việc. Ví dụ, theo khảo sát, gần 20% số người đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay” với mức thấp nhất khoảng 100.000 đồng để "được việc”; gần 60% số người dân phải chi thêm tới gần 1 triệu đồng ngoài các chi phí chính thức để làm các thủ tục liên quan đến đất đai. Điều đáng buồn là có đến 50% số người lao động muốn xin được việc làm trong khu vực nhà nước phải đưa hối lộ. Tỷ lệ lót tay trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng tăng đáng kể từ 31% năm 2011 lên 42% vào năm 2012. Chỉ nhìn con số thống kê của PAPI khiến nhiều người trong chúng ta phải giật mình. Có tới 65% công chức "không thạo việc” khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tỷ lệ này trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng là 40%. Giải thích cho nguyên nhân các cán bộ công chức thực thi công vụ sách nhiễu và nhận hối lộ, PAPI cho rằng, một phần do trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức yếu năng lực nên người dân cảm thấy bị hành vì phải đi lại quá nhiều lần cho một thủ tục hành chính nên chủ động đưa hối lộ cho nhanh. Người dân chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ để "lách” những thủ tục hành chính rườm rà với hy vọng nhận được chất lượng dịch vụ công tốt hơn. Nhưng phần nhiều là do mức lương của cán bộ, công chức làm dịch vụ hành chính công thấp khiến họ phải xoay sở, nghĩ cách để "cải thiện” cuộc sống.


Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vì sao người dân lại phải chịu đựng hành vi tham nhũng? Xin thưa, khi nạn phong bì đã thành thông lệ, hay nói cách khác là "chuyện thường ngày ở huyện” thì không muốn cũng phải chịu đựng. Bởi lẽ, nếu như lúc đầu chỉ là do trình độ năng lực của cán bộ công chức yếu khiến người dân phải đi lại nhiều với các thủ tục hành chính công; nhưng sau đó do đã nhận phong bì quen nên việc không có phong bì đã trở thành nỗi ám ảnh khó chịu khiến cán bộ, công chức không còn muốn thực thi nhiệm vụ của mình, quên đi nghĩa vụ công bộc phục vụ dân mà lơ là trong giải quyết các thủ tục hành chính công cho người dân.


Đó chính là lý do nhiều người dân không còn tin tưởng ở luật pháp, nhất là thái độ xử lý tham nhũng của Nhà nước không được nghiêm minh nên họ tặc lưỡi thôi cứ đưa phong bì cho xong việc. Có tới gần 73% người dân cho rằng tố cáo không giải quyết được vấn đề gì, do vậy thay vì tố cáo tham nhũng thì hãy hối lộ để giải quyết cho xong việc của mình. Có tới trên 95% người dân sẵn sàng trả chi phí lót tay cao hơn và không nghĩ đến việc tố cáo tham nhũng để được việc. Điều này chứng tỏ người dân dần đã "thích nghi” với tham nhũng.


Chỉ số PAPI lần đầu tiên được công bố khiến không ít người giật mình bởi nạn "tham nhũng vặt” đang lên ngôi. Từ xưa đến nay, khi đi khám bệnh, khi đi làm thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin phép xây nhà... người ta thường có thói quen dúi phong bì cho cán bộ công chức thụ lý hồ sơ của mình, nhưng mấy ai dừng lại để suy ngẫm xem hành vi của mình sẽ gây hậu quả ra sao tới nền hành chính công của đất nước? Hay chí ít, hành vi đút lót của mình sẽ gây hại như thế nào tới những cán bộ công chức thực thi công vụ vì làm hỏng họ, hoặc gây khó cho người khác khi làm thủ tục hành chính công mà không có tiền.


Nhưng điều quan trọng hơn là chỉ số PAPI như một lời cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách, những người lãnh đạo đang muốn triệt tiêu tham nhũng để đưa Việt Nam phát triển thành rồng, thành hổ trong khu vực và trên thế giới. Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII sắp khai mạc, hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ làm tròn sứ mạng của mình để thực hiện việc giám sát các hành vi liên quan đến tiêu cực tham nhũng, giúp nền hành chính công Việt Nam ngày một trong sạch hơn. Tuy nhiên, muốn giải quyết tận gốc vấn đề "tham nhũng vặt”, không chỉ cần việc giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, mà còn cần một giải pháp đồng bộ trong đó có cả chế độ đãi ngộ, lương, thưởng để cán bộ công chức không còn tơ tưởng đến tham nhũng vặt.

Lê Anh Đức

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Skull Belt Buckles