Hứa thật nhiều
Ngày 2/5, trong chuyến công du vòng quanh Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bất ngờ đưa ra đề xuất đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông. Theo đó, Ngoại trưởng Trung Quốc tái khẳng định lập trường “muốn giải quyết tranh chấp với một số nước ASEAN thông qua thương lượng và hợp tác cùng có lợi”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, hi vọng ASEAN có thể tập trung thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược này lên một tầm cao mới. Vương Nghị khẳng định ASEAN là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của mình và bày tỏ hi vọng Thái Lan, với tư cách là nước điều phối viên, sẽ đóng một vai trò xây dựng trong việc hỗ trợ sự phát triển quan hệ Trung Quốc – ASEAN.
Ông Vương Nghị cũng cho biết nước này luôn sẵn sàng thảo luận về vấn đề COC. Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm: "Thực tế, chúng tôi đã nhất trí với ASEAN rằng hai bên sẽ xây dựng một COC trên cơ sở đồng thuận." Ông Vương Nghị cho rằng, về vấn đề biển Đông Trung Quốc tỏ thái độ mong muốn hòa bình và ổn định, đồng thời cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ thông qua sự đồng thuận với các bên liên quan. Tuy nhiên trong nhận định trước đó, các nhà phân tích cho rằng việc Vương Nghị chỉ chọn 4 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia và Brunei là muốn nhằm đạt được sự ủng hộ từ các quốc gia này khi vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông vẫn đang nóng như hiện nay. Không chỉ là láng giềng với Trung Quốc mà 4 quốc gia này còn giữ vị trí trung lập và có ảnh hưởng đến khối ASEAN hiện do Brunei ngồi ghế chủ tịch. Làm càn Cùng thời điểm chuyến công du, ngày 30/4, Bắc Kinh tổ chức tour du lịch ra đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc cho biết đây chỉ là chuyến du lịch bình thường tại “một hòn đảo trên Biển Đông”, nhưng sự kiện này là một hành động xâm phạm trắng trợn đối với chủ quyền quốc gia Việt Nam. Tiếp đó, ngày 6/5, Trung Quốc đã đưa dàn khoan khổng lồ ra khai thác Biển Đông. Tân Hoa Xã đưa tin, bắt đầu từ trưa 5/5, giới chức Trung Quốc phái 9 con tàu hộ tống và kéo dàn khoan - lọc dầu khí Lệ Loan 3-1 cao bằng tòa nhà 18 tầng từ Thanh Đảo cơ động nhằm về hướng Biển Đông.
Dàn khoan - lọc dầu khí khổng lồ này di chuyển trên biển với tốc độ 3 đến 4 hải lý/giờ, theo tính toán của giới chức Trung Quốc sau 12 ngày nó sẽ tới một mỏ khí thiên nhiên ở "một vùng nước sâu trên Biển Đông". Cuối tháng 9/2013, dàn khoan khủng này sẽ bắt đầu "khai thác dầu khí" trên một vùng biển ở Biển Đông. Trung Quốc ngày càng bành trướng tại Biển Đông, song song với việc đưa dàn khoan để khai thác tài nguyên, quốc gia này cũng không quên các hoạt động lấn biển được triển khai bởi lực lượng ngư chính. Ngư chính Trung Quốc đã bắn vòi rồng đuổi tàu cá, kéo đội tàu ra tranh cướp ngư trường. Tân Hoa Xã ngày 6/5 đưa tin, Trung Quốc đã dùng vũ lực đối với tàu cá đánh bắt tại vùng biển gần Đá Vành Khăn (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Philippines và Trung Quốc cũng "tuyên bố" chủ quyền và Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép - PV). Tân Hoa Xã tường thuật, tàu Ngư chính số hiệu 45001 tiến sát chiếc "tàu cá nước ngoài" 10 mét, một khoảng cách đã khá nguy hiểm trên biển nhưng chiếc tàu cá này vẫn đánh bắt bình thường và không chịu dời đi, tàu Trung Quốc đã bật vòi rồng xối thẳng vào tàu cá đối phương, cuối cùng chiếc tàu cá này phải rút ra khỏi khu vực. Gần đây, 32 chiếc tàu cá của Trung Quốc đã bắt đầu thả neo và đánh bắt trái phép tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam kể từ 16 giờ 45 phút ngày 13/5. Các con tàu chính thức xâm phạm quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam sau chuyến hành trình 173 tiếng đồng hồ (hơn 7 ngày), xuất phát từ tỉnh Hải Nam. Trước đó, ngày 6/5, đội tàu đánh cá Đam Châu của Trung Quốc gồm 32 chiếc, đã xuất phát từ cảng cá Bạch Mã Tỉnh bắt đầu tiến ra ngư trường Trường Sa của Việt Nam. Số tàu trên đều là tàu đánh cá cỡ lớn từ hơn 100 tấn trở lên, được lắp đặt thiết bị thông tin hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc với đất liền 24/24 giờ. Mới đây nhất, Trung Quốc ngang ngược thi hành Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2013 từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8, với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam. Mai Nguyên (tổng hợp) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét